Nội dung |
Chương I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Luật này quy định về các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác (trong Luật này gọi chung là rượu, bia) bao gồm: kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men, có hoặc không chưng cất, từ tinh bột của các loại ngũ cốc, dịch đường của cây và hoa quả hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm.
2. Cồn thực phẩm là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học theo danh pháp quốc tế IUPAC là Ethanol, đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. Rượu thủ công là rượu được sản xuất bằng nồi (kháp), ống dẫn hơi rượu, bồn lạnh và các dụng cụ truyền thống khác, quy mô nhỏ tại hộ gia đình.
4. Bia là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men với nguyên liệu chính là malt đại mạch, hoa houplon, nấm men và nước.
5. Đồ uống có cồn khác là đồ uống có cồn thực phẩm mà không phải là rượu, bia.
6. Tác hại của rượu, bia là ảnh hưởng có hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác đối với sức khỏe của người uống, gia đình, cộng đồng và kinh tế - xã hội.
7. Nghiện rượu, bia là tình trạng lệ thuộc vào rượu, bia và đồ uống có cồn khác có biểu hiện đặc trưng là nhu cầu uống mãnh liệt (sự thèm muốn), tăng mức độ dung nạp theo thời gian, không thể tự kiểm soát hay ngừng uống mặc dù rất muốn dừng, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất của người uống.
8. Nâng cao sức khoẻ là các hoạt động tạo môi trường sống lành mạnh, cung cấp bằng chứng để xây dựng chính sách, thực hiện các chương trình can thiệp, truyền thông, nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng của cá nhân và cộng đồng để nhận biết và phòng chống nguy cơ sức khoẻ, bệnh tật, tăng cường và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Điều 3. Nguyên tắc trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Phòng, chống tác hại của rượu, bia phải có trách nhiệm phối hợp và sự quan tâm đầu tư của cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng.
2. Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ưu tiên biện pháp để giảm mức tiêu thụ rượu bia.
3. Áp dụng chính sách thuế phù hợp và kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp, từng bước giảm sản lượng sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh để góp phần giảm mức tiêu thụ rượu, bia.
4. Huy động các nguồn tài chính cho phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng từ khoản đóng góp bắt buộc của sản xuất, kinh doanh rượu, bia và các nguồn xã hội hóa khác.
5. Ưu tiên phát triển hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia tại cấp cơ sở, cộng đồng và do cơ sở, cộng đồng người dân tổ chức.
Điều 4. Trách nhiệm quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
2. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ làm đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch về phòng, chống tác hại của rượu, bia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về rượu, bia và tổ chức, đôn đốc việc thực hiện;
b) Đầu mối chịu trách nhiệm quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các biện pháp: thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; cảnh báo sức khoẻ trên sản phẩm rượu, bia; các trường hợp không được uống rượu, bia; bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia; điều trị, phục hồi chức năng cho người nghiện rượu, bia và quản lý Quỹ nâng cao sức khoẻ cộng đồng.
c) Tổ chức bồi dưỡng và tăng cường nhân lực tham gia phòng, chống tác hại của rượu, bia;
d) Tổ chức triển khai các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, dự phòng và điều trị can thiệp, phòng, chống tái nghiện và chăm sóc liên tục dành cho người nghiện rượu, bia;
đ) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống tác hại của rượu, bia;
e) Hợp tác quốc tế về phòng, chống tác hại của rượu, bia;
g) Hằng năm, tổng hợp, báo cáo Chính phủ về kết quả phòng, chống tác hại của rượu, bia.
3. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong lĩnh vực quản lý nhà nước và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, chính sách, kế hoạch về sản xuất, kinh doanh rượu, bia và phòng, chống tác hại của rượu, bia trong sản xuất, kinh doanh rượu, bia;
b) Đầu mối chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các biện pháp: kiểm soát trong khuyến mại, tài trợ rượu, bia; ghi nhãn sản phẩm rượu, bia; quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia để phòng, chống tác hại của rượu bia; địa điểm, phương thức không được bán rượu, bia; biện pháp quản lý rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh và không nhằm mục đích kinh doanh; phòng ngừa và xử lý rượu, bia nhập lậu, rượu, bia giả.
4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, lĩnh vực quản lý có trách nhiệm chủ động thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
5. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; chủ trì tổ chức, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương.
6. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan nhà nước khác có nhiệm vụ phòng, chống tác hại của rượu, bia có trách nhiệm bố trí kinh phí cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong giao dự toán chi hằng năm.
7. Trách nhiệm cụ thể trong quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia của Bộ, ngành, địa phương thực hiện theo phân công của Chính phủ.
Chương II: CÁC BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT GIẢM MỨC TIÊU THỤ
RƯỢU, BIA
Điều 5. Thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Thông tin, giáo dục, truyền thông phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Cung cấp thông tin một cách công khai, khoa học, chính xác, khách quan về rượu, bia và tác hại của rượu, bia;
b) Đa dạng hóa nội dung, hình thức và kênh thông tin phù hợp với đối tượng được thông tin, giáo dục, truyền thông.
2. Trách nhiệm trong thông tin, giáo dục, truyền thông được quy định như sau:
a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan, tổ chức khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của Luật này;
b) Bộ Y tế tổ chức hệ thống thu thập và phân tích thông tin, dữ liệu có liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia; cung cấp thông tin khoa học về tác hại của rượu, bia; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia;
c) Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông thực hiện hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia;
d) Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức đưa thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu, bia và các biện pháp hạn chế sử dụng rượu, bia vào các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và đời sống gia đình; hướng dẫn, vận động cộng đồng dân cư hạn chế hoặc không uống rượu, bia trong đám tang, đám cưới, lễ hội và đưa vào hương ước; quy định việc hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, sân khấu, truyền hình.
đ) Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng nội dung và tổ chức việc giáo dục về phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với học sinh, sinh viên;
e) Bộ Giao thông vận tải xây dựng nội dung và tổ chức việc đào tạo về phòng, chống tác hại của rượu, bia trong chương trình đào tạo cấp giấy phép lái xe;
g) Bộ Công an tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông cho người dân không điều khiển phương tiện giao thông cơ giới sau khi sử dụng rượu, bia;
h) Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương;
i) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận thông tin, tuyên truyền, vận động, giám sát các thành viên trong tổ chức mình và cơ quan, tổ chức, cá nhân không lạm dụng rượu, bia, tích cực tham gia phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Điều 6. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư trong phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ban hành nội quy, gương mẫu thực hiện và vận động cá nhân trong cơ quan, tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
2. Chính quyền địa phương tổ chức, vận động, hướng dẫn và phát huy vai trò của tổ dân phố, cụm dân cư, thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương, cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm:
a) Tuyên truyền, vận động các gia đình trên địa bàn tham gia tuyên truyền và thực hiện các quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia;
b) Lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia vào phong trào quần chúng, hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ tại cộng đồng và các hoạt động xã hội khác;
c) Phát huy vai trò của các tổ trưởng dân phố, trưởng cụm dân cư, trưởng thôn, già làng, trưởng bản, trưởng làng, trưởng ấp, trưởng phum, trưởng sóc, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các dòng họ, trưởng tộc, các chức sắc tôn giáo, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng, người đứng đầu tổ chức hội, đoàn thể tại địa phương, cộng đồng trong việc vận động nhân dân, người thuộc tổ chức mình tham gia phòng, chống tác hại của rượu, bia.
d) Vận động, đưa quy định về việc hạn chế hoặc không uống rượu, bia trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước, nội quy.
Điều 7. Các trường hợp không được uống rượu, bia
1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian làm việc, thời gian nghỉ giữa các ca trong ngày làm việc.
2. Uống rượu, bia tại địa điểm không được bán rượu, bia theo quy định tại Điều 12 Luật này.
3. Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới tham gia giao thông theo quy định tại Điều 15 Luật này.
4. Người dưới 18 tuổi.
Điều 8. Các biện pháp kiểm soát trong khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia
1. Nghiêm cấm khuyến mại rượu, bia trực tiếp cho người tiêu dùng; dùng rượu, bia làm giải thưởng cho các cuộc thi; cung cấp rượu, bia miễn phí.
2. Nghiêm cấm quảng cáo, giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức, trên tất cả các phương tiện quảng cáo đối với rượu, bia từ 15 độ trở lên; quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trên phương tiện giao thông, công trình giao thông, phương tiện quảng cáo ngoài trời, chương trình, kênh truyền hình, phim và ấn phẩm khác có đối tượng trẻ em, trên mạng xã hội, trang thông tin điện tử trừ trang thông tin điện tử của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Quảng cáo bia, rượu dưới 15 độ trên báo hình, báo nói chỉ được thực hiện từ sau 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau; hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình.
3. Phương án 1:
Hoạt động tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
a) Không được tài trợ cho các sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí;
b) Không được tài trợ bằng sản phẩm rượu, bia;
c) Không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ và không được có tên sản phẩm rượu, bia trên vật phẩm tài trợ.
Phương án 2:
Quy định này chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu.
4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương quy định cụ thể về các biện pháp kiểm soát trong khuyến mại, quảng cáo quy định tại điều này trong lĩnh vực được phân công quản lý.
Chương III: CÁC BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT VIỆC CUNG CẤP RƯỢU, BIA
Điều 9. Các biện pháp quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia
1. Cơ sở sản xuất; cơ sở kinh doanh phân phối, bán buôn, đại lý bán lẻ rượu phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với bán lẻ rượu trực tiếp đến người uống tại chỗ có 2 phương án:
Phương án 1:
Cơ sở bán lẻ rượu trực tiếp đến người uống tại chỗ phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Phương án 2:
Cơ sở bán lẻ rượu trực tiếp đến người uống tại chỗ không phải có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải tuân thủ các quy định khác của Luật này.
2. Cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia phải đáp ứng điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của Chính phủ.
3. Chính sách quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia phải bảo đảm không làm gia tăng mức tiêu thụ rượu, bia bình quân trên mỗi người dân Việt Nam so với mức tiêu thụ trung bình của thế giới, từng bước giảm tốc độ gia tăng sản lượng rượu, bia trừ trường hợp xuất khẩu.
4. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, việc cấp mới, cấp lại giấy phép, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thay đổi địa điểm kinh doanh đối với cơ sở bán lẻ rượu, bia phải bảo đảm khoảng cách bán kính giữa các địa điểm kinh doanh rượu, bia và giữa địa điểm kinh doanh rượu, bia với các địa điểm không được bán rượu, bia không nhỏ hơn 500m, trừ các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, du lịch.
Điều 10. Quản lý sản xuất, kinh doanh rượu thủ công
1. Việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải tuân thủ quy định đối với rượu tại Luật này.
2. Rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh không phải cấp giấy phép nhưng chủ hộ gia đình hoặc người sản xuất phải kê khai với chính quyền địa phương nơi sản xuất về nguyên liệu, sản lượng, phương pháp sản xuất và cam kết không bán rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh. Việc kê khai, cam kết được thực hiện theo hình thức bố trí cán bộ hoặc tổ chức cộng tác viên tại các tổ chức hội, đoàn thể, tổ dân phố ở cộng đồng hoặc hình thức phù hợp, khả thi, tiết kiệm khác để đến hộ gia đình hỗ trợ, hướng dẫn người dân tự kê khai với chính quyền địa phương theo hướng dẫn, biểu mẫu của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
3. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thống kê sản lượng sản xuất rượu thủ công trong tỉnh và trên toàn quốc; đề xuất lộ trình, biện pháp giảm dần sản lượng rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh trình Chính phủ quyết định.
4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức, giao nhiệm vụ đầu mối quản lý rượu thủ công tại địa phương; phân công nhiệm vụ và tổ chức việc hướng dẫn hộ gia đình, người dân sản xuất rượu thủ công bảo đảm các chỉ tiêu an toàn, tuân thủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu; tổ chức việc hỗ trợ, hướng dẫn người dân tự kê khai về rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh với chính quyền địa phương theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này; vận động, tuyên truyền và thực hiện giải pháp chuyển đổi ngành nghề phù hợp theo lộ trình khả thi để người dân, hộ gia đình từng bước hạn chế, tiến tới không sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.
Điều 11. Bảo đảm chất lượng, an toàn đối với rượu, bia
1. Rượu, bia được sản xuất, nhập khẩu để kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại Việt Nam phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở về rượu, bia. Trường hợp rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì phải tuân thủ quy định điều kiện bảo đảm an toàn đối với rượu, bia.
2. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia phải tuân thủ các quy định của pháp luật về công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm; kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm thực phẩm nhập khẩu đối với rượu, bia nhập khẩu; chịu trách nhiệm về sự phù hợp của rượu, bia với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, điều kiện bảo đảm an toàn đối với rượu, bia và tiêu chuẩn cơ sở đã công bố.
3. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về rượu, bia; quy định điều kiện bảo đảm an toàn đối với rượu thủ công chưa có quy chuẩn và rượu có bổ sung thảo dược, thực vật, động vật và các chất khác; quy định việc công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định về an toàn thực phẩm đối với rượu, bia.
4. Ủy ban nhân cấp tỉnh ban hành hướng dẫn một số chỉ tiêu an toàn cơ bản đối với rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương hoặc quy định điều kiện bảo đảm an toàn đối với rượu thủ công đặc thù của địa phương theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn sau khi có ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Công Thương.
Điều 12. Ghi nhãn trên bao bì rượu, bia
1. Rượu, bia được sản xuất, nhập khẩu để kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng quy định về ghi nhãn theo đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá. Rượu thủ công để bán trực tiếp cho người tiêu dùng phải được chứa đựng trong bao bì có ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cụ thể về ghi nhãn đối với rượu, bia sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Y tế.
2. Việc ghi nhãn trên bao bì rượu, bia xuất khẩu được thực hiện theo quy định đối với hàng hóa xuất khẩu, yêu cầu của nước nhập khẩu.
3. Khuyến khích cơ sở sản xuất, nhập khẩu ghi trên nhãn các thông tin sau đây:
a) Số lượng đơn vị rượu tương ứng với khối lượng rượu, bia;
b) Khuyến nghị người tiêu dùng về đơn vị rượu nên sử dụng ở mức nguy cơ thấp;
c) Cảnh báo sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Điều 13. Địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia
1. Không được bán rượu, bia tại các địa điểm sau đây:
a) Cơ sở y tế;
b) Cơ sở giáo dục;
c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em;
d) Nơi làm việc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp;
đ) Trạm dừng nghỉ trên đường quốc lộ, tỉnh lộ;
2. Không được bán rượu, bia bằng máy bán tự động.
3. Không được bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi, người đã có biểu hiện say rượu, bia.
4. Có 03 phương án:
Phương án 1:
Chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau: từ 11 giờ đến 14 giờ và từ 17 giờ đến 22 giờ hằng ngày trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.
Phương án 2:
Chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 22h giờ trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch.
Phương án 3:
Thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ trong trường hợp cần thiết căn cứ yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Điều 14. Phòng ngừa và xử lý rượu, bia nhập lậu, rượu, bia giả, không bảo đảm an toàn
1. Nghiêm cấm sử dụng cồn không phải cồn thực phẩm, cồn, men không bảo đảm chất lượng để sản xuất, pha chế rượu; sản xuất, pha chế rượu có bổ sung các thực vật, động vật, thảo dược và các chất khác không có nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Bộ Y tế quy định việc sử dụng chất chỉ thị màu trong cồn công nghiệp (methanol) để phòng ngừa pha chế rượu từ cồn công nghiệp.
2. Rượu, bia không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định, rượu, bia giả, nhập lậu đều bị tịch thu và xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ phối hợp, tham gia với cơ quan có thẩm quyền trong công tác phòng, chống rượu, bia giả, nhập lậu và gian lận thương mại.
Điều 15. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia
1. Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; thông tin về rượu, bia phải bảo đảm tính chính xác, khoa học.
2. Tuân thủ quy định của pháp luật về kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia.
3. Tuân thủ các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa trên bao bì sản phẩm rượu, bia.
4. Không được bán rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh.
5. Người sử dụng lao động làm việc tại địa điểm bán lẻ rượu, bia phải tổ chức tập huấn cho người lao động về tác hại của rượu, bia; số lượng đơn vị rượu tương ứng với khối lượng rượu, bia; khuyến nghị người tiêu dùng về đơn vị rượu nên sử dụng ở mức nguy cơ thấp; không đều khiển phương tiện giao thông cơ giới sau khi uống rượu, bia; cách nhận biết tuổi, nhận biết dấu hiệu say rượu, bia của khách hàng và các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
6. Không được sử dụng người lao động dưới 18 tuổi trực tiếp làm công việc sản xuất, kinh doanh rượu, bia.
7. Tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia tại cơ sở kinh doanh.
8. Thực hiện các quy định khác tại Luật này.
Chương IV: CÁC BIỆN PHÁP GIẢM TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA
Điều 16. Kiểm soát rượu, bia bảo đảm an toàn giao thông
1. Người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng đường bộ; tàu bay, tàu hỏa và các phương tiện giao thông đường thủy không được có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi tham gia giao thông.
2. Có 2 Phương án sau đây:
Phương án 1: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không được có nồng độ cồn trong máu vượt quá 30mg/100ml máu hoặc 0,15mg/l lít khí thở khi tham gia giao thông.
Phương án 2: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không được có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi tham gia giao thông.
3. Thực hiện các biện pháp kiểm tra chủ động nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới để phòng, ngừa và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 17. Điều trị, phục hồi chức năng cho người nghiện rượu, bia
1.Việc cai nghiện rượu, bia được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Trường hợp người nghiện rượu, bia bị xử lý vi phạm pháp luật do hành vi sử dụng rượu, bia thì Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Công an cấp huyện quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện rượu, bia bắt buộc cho người nghiện rượu, bia theo quy định của Chính phủ.
2. Bộ Y tế quy định việc tư vấn, sàng lọc, phát hiện sớm, dự phòng, điều trị can thiệp, phòng, chống tái nghiện và chăm sóc liên tục dành cho người nghiện rượu, bia tại cơ sở y tế phù hợp và tại cộng đồng.
Điều 18. Chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng khác bị ảnh hưởng khỏi tác hại của rượu, bia
1. Chính quyền địa phương có trách nhiệm tổ chức giám sát việc chăm sóc, nuôi dưỡng để bảo đảm an toàn cho trẻ em trong gia đình có người nghiện rượu, bia; có biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với trẻ em có nguy cơ hoặc bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi do người nghiện rượu, bia gây ra, trong đó chú trọng đến trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Cơ sở y tế tư vấn cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai đến khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ tại cơ sở về tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, bào thai, phụ nữ có thai và cho con bú.
3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình có trách nhiệm tư vấn cho nạn nhân của tác hại của rượu, bia khi sử dụng dịch vụ tại cơ sở.
4. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia trợ giúp, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.
Chương V: BẢO ĐẢM NGUỒN LỰC CHO PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI CỦA RƯỢU, BIA VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG
Điều 19. Huy động nguồn kinh phí cho phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng (Dự thảo có 2 Phương án)
Phương án 1 (Có Quỹ nâng cao sức khoẻ)
1. Kinh phí cho phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng được huy động từ các nguồn sau đây:
a) Khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia, được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 0,5% từ ngày Luật này có hiệu lực; 1,0% từ ngày 01 tháng 01 năm 2023; 1,5% từ ngày 01 tháng 01 năm 2026, 2,0% từ ngày 01 tháng 01 năm 2030. Khoản đóng góp bắt buộc được khai, nộp cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia tự khai, tự tính, tự nộp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
b) Khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 30 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá;
c) Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước;
d) Nguồn thu hợp pháp khác.
2. Toàn bộ nguồn kinh phí quy định tại Khoản 1 Điều này được nộp về Quỹ nâng cao sức khỏe để chi riêng cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
3. Đổi tên và tổ chức lại Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá thành Quỹ nâng cao sức khỏe thuộc Chính phủ (hoặc Bộ Y tế), là quỹ quốc gia có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng do Thủ tướng Chính phủ thành lập, quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động của Quỹ.
4. Quỹ nâng cao sức khỏe hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; có chức năng huy động, cung cấp và điều phối nguồn lực tài chính của Quỹ cho các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; rượu, bia và các hoạt động nâng cao sức khỏe cộng đồng khác.
5. Cơ cấu tổ chức của Quỹ nâng cao sức khỏe được tổ chức trên nguyên tắc sử dụng bộ máy, nhân lực hiện có của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, gồm có: Hội đồng quản lý liên ngành, Giám đốc, các Phó Giám đốc, các phòng, trung tâm thuộc Quỹ và Ban Kiểm soát. Hội đồng quản lý liên ngành có thẩm quyền quản lý cao nhất của Quỹ, gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ủy viên. Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế; 02 Phó Chủ tịch là lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Y tế; các ủy viên là đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan khác.
6. Quỹ nâng cao sức khỏe có nhiệm vụ hỗ trợ, cung cấp nguồn lực tài chính cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá và nâng cao sức khoẻ khác sau đây:
a) Truyền thông về: phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia; tác hại rượu, bia gắn với an toàn giao thông; bạo lực gia đình, trật tự an toàn xã hội; các yếu tố nguy cơ đối với sức khoẻ; kiến thức cơ bản về phòng, chống bệnh tật và bảo vệ sức khoẻ phù hợp với từng nhóm đối tượng.
b) Nghiên cứu các yếu tố nguy cơ đối với sức khoẻ; nghiên cứu đưa ra bằng chứng phục vụ cho xây dựng, vận động chính sách về phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia và nâng cao sức khoẻ cộng đồng.
c) Tổ chức và hỗ trợ các hoạt động tư vấn về phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia; các yếu tố nguy cơ đối với sức khoẻ; dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực và nâng cao sức khoẻ cộng đồng.
d) Tổ chức các hoạt động can thiệp về phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia và nâng cao sức khoẻ cộng đồng:
- Tổ chức các chiến dịch, sáng kiến về phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia; tư vấn việc tổ chức nơi dành riêng cho người hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng.
- Xây dựng, triển khai các mô hình điểm về cai nghiện, phòng, chống tái nghiện thuốc lá, rượu, bia dựa vào cộng đồng và phát triển, nhân rộng các mô hình có hiệu quả.
- Phòng, chống các yếu tố nguy cơ đối với sức khoẻ.
- Sàng lọc, phát hiện sớm các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.
- Hỗ trợ việc triển khai các chương trình giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, tăng cường hoạt động thể lực trong cộng đồng, trường học.
đ) Tổ chức thực hiện các hoạt động để nâng cao năng lực thực thi chính sách về phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia và nâng cao sức khoẻ, bao gồm: tổ chức mạng lưới; đào tạo, tập huấn; đề xuất, giám sát, đánh giá việc thực hiện chính sách về phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia và nâng cao sức khoẻ;
e) Vận động, huy động nguồn lực, tài chính cho phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu, bia và nâng cao sức khoẻ;
g) Hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người cận nghèo và một số đối tượng theo quy định của Chính phủ;
h) Các hoạt động nâng cao sức khoẻ khác do Chính phủ quy định khi cần thiết.
7. Quỹ nâng cao sức khỏe được sử dụng theo các nguyên tắc sau đây:
a) Quỹ chỉ được sử dụng cho các nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 6 Điều này và chi phí quản lý hành chính vận hành Quỹ theo quy định của Chính phủ, bảo đảm cân đối tỷ lệ chi cho các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá, rượu, bia và nâng cao sức khoẻ khác.
b) Nội dung chi của Quỹ căn cứ vào kế hoạch hoạt động hằng năm, chương trình, chiến lược ngắn hạn, dài hạn, mục tiêu ưu tiên trong từng giai đoạn.
c) Quỹ được thực hiện kiểm toán hằng năm theo quy định của pháp luật.
d) Công khai, minh bạch.
đ) Bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn tài chính của Quỹ.
8. Định kỳ 02 năm một lần, Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động và việc quản lý sử dụng Quỹ nâng cao sức khỏe.
Phương án 2 (Không có Quỹ nâng cao sức khoẻ)
1. Kinh phí cho phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe được huy động từ các nguồn sau đây:
a) Khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia, được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 0,5% từ ngày Luật này có hiệu lực; 1,0% từ ngày 01 tháng 01 năm 2023; 1,5% từ ngày 01 tháng 01 năm 2026, 2,0% từ ngày 01 tháng 01 năm 2030. Khoản đóng góp bắt buộc được khai, nộp cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia tự khai, tự tính, tự nộp theo quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính.
b) Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước;
c) Nguồn thu hợp pháp khác.
2. Toàn bộ nguồn kinh phí quy định tại Khoản 1 Điều này được phân bổ để chi riêng cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe.
3. Chính phủ quy định nhiệm vụ, nội dung chi cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe. Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe.
Điều 20. Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
2. Việc xử lý vi phạm hành chính về phòng, chống tác hại của rượu, bia được thực hiện theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Chương VI: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
2. Bãi bỏ Điều 28; Điều 29; Điểm b và Điểm c Khoản 1, Khoản 2 Điều 30 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá tiếp tục hoạt động cho đến khi thành lập Quỹ Nâng cao sức khoẻ. (Nếu lựa chọn phương án 1 Điều 19)
Điều 22. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật./.
Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV kỳ họp thứ thông qua ngày tháng năm 2019.
|